Cuộc nổi dậy thứ nhất Khởi_nghĩa_Ja_Thak_Wa

Ðể chuẩn bị cho cuộc nổi dậy, Ja Thak Wa đứng ra lãnh đạo toàn bộ guồng máy tổ chức, biến khu vực rừng núi ở phía tây của các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận thành một hậu cứ chiến lược. Mặt khác, vị chỉ huy này biết dựa vào hậu thuẫn của dân tộc Tây nguyên như Raglai, Churu, Kaho, Stieng... ở vùng Ðồng Nai Thượng. Đây là một lực lượng hùng mạnh, lúc nào cũng sẵn sàng chống sự xâm nhập của người Việt vào khu vực của họ kể từ năm 1832.

Cũng nhờ sự hiện diện của Po War Palei (gốc Raglai) và vị hoàng tử kế thừa (gốc Churu) trong tổ chức, Ja Thak Wa vận động rất dễ dàng các dân tộc miền núi tham gia vào mặt trận của mình. Ðể mở màn cho cuộc đấu tranh, Ja Thak Wa xua quân lần thứ nhất vào tháng thứ 7 năm Ngọ lịch Champa (1834) nhằm tấn công cùng một lúc các khu vực đồng bằng từ Phú Yên đến Phan Rí.

Trước sự nổi dậy này, Minh Mạng không ngần ngại mạnh tay sử dụng súng đạn và trọng pháo để tiễu trừ quân phiến loạn. Theo tác phẩm Ariya Gleng Anak viết vào năm 1835, cuộc tấn công của nhà Nguyễn chống lại Ja Thak Wa vào năm 1834 là một chiến trường đẫm máu. Các thành viên của Ja Thak Wa bị trừng trị vô cùng tàn bạo. Tuy bị quân nhà Nguyễn đánh bại nhưng Ja Thak Wa lại cho rằng thất bại không phải là vì quân Việt Nam hùng mạnh, nhưng vì dân chúng người Chăm ở đồng bằng không cương quyết đồng loạt nổi dậy như ông ta hy vọng.